Hội thảo “Triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030”

Ngày 15/1, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo “Triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030” để cùng bàn luậnhướng triển khai thực hiện Kế hoạch cụ thể, nhằm thực hiện được các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch

Hội thảo có sự tham dự của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Quế Lâm; Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú và Bà Sitara Syed, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam; cùng đại diện các Đại sứ quán; các tổ chức quốc tế; các tổ chức phi chính phủ; đại diện các Bộ, ban, ngành, trung ương và địa phương; các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Biển và Hải Đảo Việt Nam; các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Quế Lâm cho biết, ngày 04 tháng 12 năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 (Kế hoạch). Đây là niềm vui, là thành quả của Bộ Tài nguyên và Môi trường nói chung và của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cùng sự góp sức của đông đảo các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế đã nỗ lực cùng xây dựng dự thảo Kế hoạch.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quế Lâm phát biểu khai mạc Hội thảo

Trong giai đoạn tới, nhiệm vụ triển khai Kế hoạch sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần có kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện phù hợp và dài hạn. Do vậy, Hội thảo được tổ chức tập trung thảo luận về các vấn đề sau: (i) Xác định lộ trình thực hiện chi tiết của các nhiệm vụ, chương trình, dự án cụ thể nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch; (ii) Thảo luận đưa ra kiến nghị, giải pháp giúp Tổng cục, giúp Bộ TNMT hoàn thành nhiệm vụ được giao: Giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; thúc đẩy, mở rộng hợp tác quốc tế về quản lý rác nhựa đại dương; định kỳ hàng năm và 5 năm tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; (iii) Huy động sự tham gia của toàn xã hội; phát huy hiệu quả sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp, người dân; thực hiện tốt phân công, phân cấp, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện Kế hoạch; (iv) Tìm hướng đi cho việc huy động các nguồn lực triển khai Kế hoạch.

Bà Sitara Syed, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Bà Sitara Syed, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP chúc mừng đồng thời đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc sớm đạt được sự phê duyệt của Chính phủ đối với Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, đây là khuôn khổ pháp lý quan trọng để giải quyết các thách thức về rác thải nhựa đại dương. Bà cũng nhấn mạnh rằng, khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN và Thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp Quốc thì con mắt của thế giới sẽ nhìn vào và Việt Nam trở thành nhà lãnh đạo khu vực, là mô hình cũng như là tấm gương cho các quốc gia khác. Do đó, thời gian hành động chính là thời điểm này và UNDP mong muốn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam để giải quyết các thách thức trước mắt. Bà hy vọng, thông qua Hội thảo sẽ cung cấp khuôn khổ cho những thảo luận mang tính tích cực, chia sẻ thông tin, góp phần thúc đẩy việc hiện thực hoá các mục tiêu đồng thời mong muốn tiếp tục hỗ trợ, hợp tác với các cơ quan, tổ chức để cùng nhau giải quyết vấn đề rác thải đại dương trong thời gian tới.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo trình bày dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo trình bày tóm tắt nội dung chủ yếu của Kế hoạch hành động quốc gia trong đó nêu rõ các mục tiêu cụ thể của Kế hoạch cùng với các nhóm nhiệm vụ và các nhóm giải pháp để triển khai thực thiện Kế hoạch.

Đại diện nhóm chuyên gia UNDP trình bày các khuyến nghị cho việc triển khai Kế hoạch trong thời gian tới

Thông qua bài tham luận với 4 nội dung chính: (i) tổng quan về sản xuất, tiêu thụ và tiêu huỷ rác thải nhựa; (ii) vòng đời của nhựa; (iii) các chỉ tiêu theo dõi việc thực hiện Kế hoạch hành động; (iv) hỗ trợ và cam kết của UNDP, Nhóm chuyên gia UNDP đã đưa ra một số các khuyến nghị cho việc triển khai Kế hoạch trong thời gian tới.

Toàn cảnh Hội thảo

Cũng tại Hội thảo, các ý kiến tham luận, trao đổi trên tinh thần xây dựng, thẳng thắn, cởi mở của các đại biểu đại diện cho các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế đã làm rõ và cụ thể hoá những thuận lợi, khó khăn, thách thức trong việc triển khai Kế hoạch. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các đại biểu đồng thời mong muốn tiếp tục duy trì và thiết lập được những mối quan hệ tốt, cùng trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, huy động được các nguồn lực từ các đối tác quan tâm nhằm triển khai thắng lợi Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

 

Thu Thuỷ

(Theo vasi.gov.vn)

Toàn văn Kế hoạch xem tại đây.

  • 10/23/2020 2:58:56 AM